IMAGES: NOEL WALLPAPERS
BEAUTIFUL CHRISTMAS WALLPAPERS FOR YOUR DESKTOP
TRONG NGÔI GIÁO ÐƯỜNG
TRONG NGÔI GIÁO ÐƯỜNG
Hai dãy hàng ghế trong ngôi giáo đường
Chia đôi tín hữu, chia cả người thương
Từ thuở ấu thơ, kinh còn chưa thuộc
Phải tách quỳ mỗi bên ảnh Cứu Chuộc
Chúa rẽ phân mình, em hữu tả anh.
Từ hàng ghế đầu, năm tháng qua nhanh
Ðẩy mình xuống lần ngang hàng ghế giữa
Tóc em đã dài, tình đầu bốc lửa
Anh nhìn ngang hơn nhìn thẳng bàn thờ:
Ngang anh có thiên thần đẹp như mơ
Không sốt sắng vẫn vì em đi lễ
Chúa Nhật nào trông qua bên hàng ghế
Thấy vắng em, anh thấy mất thiên đường.
Rồi Chúa thương tình hai kẻ yêu đương
Cho anh dắt thiên thần lên cung thánh
Nhẫn cưới trao nhau, ghế quỳ bên cạnh
Ước cuộc đời cứ thế mãi song đôi .
Hôn lễ tan, dòng giữa trở về ngồi
Thời gian chưa kịp dần dà xua đuổi
Ðôi ta xuống tận nơi hàng ghế cuối
Anh đã đưa em trở lại trước bàn thờ
Trong nước mắt, trong thần trí đần ngơ
Sao em ẩn trong quan tài lạnh lẽo
Ðể mình anh đứng cô đơn teo héo
Bơ vơ lạc lõng giữa chốn thánh đường
Rồi đây trong tuổi đông giá phong sương
Chịu sao nổi suốt cuộc đời còn lại!
Lúc xem lễ vẫn quen nhìn bên trái
Mắt đã lờ, được thấy em trong mây
Và anh mơ, mơ được sớm đến ngày
Gặp lại em khi rời hàng ghế chót.
NOEL NEW YEAR WALLPAPER












Đôi Chút Về Giáng Sinh
Mỗi năm khi tiết trời trở mùa se lạnh, những cành cây khô lá rụng dần, và từng đợt tuyết trắng rơi nhè nhẹ cũng là lúc báo hiệu mùa lễ hàng năm sắp về. Ngay sau ngày lễ Tạ Ơn, hầu như mọi nơi từ trong nhà ra đến ngoài phố, người ta bắt đầu dựng những cây thông, giăng đèn lấp lánh, đâu đó vang vọng tiếng nhạc hòa lẫn tiếng chuông reo vang vang báo hiệu ngày lễ Giáng Sinh sắp đến. Mọi người như có vẻ bận rộn hơn, vui vẻ rộn rã hơn. Thỉnh thoảng đâu đó ở vài góc phố hoặc trước cửa hiệu mua sắm lại vang lên những tiếng kêu gọi chia sẻ tình thương cho người kém may mắn vào dịp lễ. Từ lâu lắm rồi, mỗi năm cứ vào thời điểm này người ta đều như thế. Hình như con người không biết chán với những cảm giác rộn rã của ngày lễ Giáng Sinh. Đây có lẽ là một đặc điểm kỳ diệu và duy nhất mà ngày lễ Giáng Sinh có thể mang lại tình yêu thương giữa nhân loại. Nếu được hỏi Giáng Sinh bắt đầu từ bao giờ, có lẽ ít ai còn nhớ. Nhưng nếu được hỏi cảm giác ngày lễ Giáng Sinh ra sao, chắc chắn ai cũng có thể cảm nhận được một phần nào đó của ngày lễ này.
Với những người theo Thiên Chúa giáo (Christians), Giáng Sinh bắt đầu từ Kinh Thánh (Bible) khi con Thiên Chúa là Giêsu (Jesus) được sinh ra xuống trần gian để làm người với mục đích cứu chuộc nhân thế khỏi tội lỗi và đem bình an đến cho con người. Do đó, chữ Christmas trong tiếng Anh được ghép từ hai chữ Christ và Mass, có nghĩa là ngày mừng con Thiên Chúa được sinh ra mà tiếng Việt dịch là Ngày Chúa Giáng Sinh. Theo lịch sử, ngày lễ Giáng Sinh đầu tiên được bắt đầu vào khoảng năm 336 sau Công Nguyên tại Rome và được coi là ngày lễ linh thiêng và quan trọng trong năm của tín đồ Thiên Chúa giáo. Dần dà, ngày lễ Giáng Sinh đã không chỉ dành riêng của một tôn giáo, một quốc gia, hay một sắc tộc, mà nó đã trở thành một ngày lễ dành cho tất cả mọi người trên thế giới.
Nhắc đến truyền thống mừng lễ Giáng Sinh thì mỗi sắc dân hoặc quốc gia vui mừng một cách khác nhau. Đối với người Việt xa xứ thì hầu như đã quen dần với các phong tục mừng lễ của người bản xứ Tây phương, đặc biệt là phong tục tặng quà. Cứ độ 1 tháng trước lễ Giáng Sinh, ai ai cũng lo mua sắm những món quà đủ cỡ. Sau đó họ gói những món quà trong giấy hoa đính kèm theo chiếc nơ kết bằng ribbon đủ màu sắc để tặng người thân hoặc bạn bè. Ngoài ra, những cánh thiệp với lời chúc tốt đẹp nhất cũng được dùng thay cho các gói quà. Phong tục này khởi đầu theo câu chuyện trong Kinh Thánh khi 3 vua từ phương xa nhờ đi theo dấu hiệu chỉ dẫn của ngôi sao bắc đẩu đã đến đươc nơi chúa sinh để dâng tặng ngài vàng, nhũ hương, và mộc dược. Tuy nhiên, phong tục tặng quà cho nhau chỉ thực sự bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ 17. Mãi cho đến khi câu chuyện về ông già Noel (Santa Clause) cưỡi tuần lộc tặng quà cho các trẻ em ngoan vào đúng nửa đêm Vọng Giáng Sinh ra đời, đồng thời cộng thêm sự hạ giá vào dịp lễ của các cửa hàng mua sắm mới thực sự làm cho phong tục tặng quà trở thành một trong phần không thể thiếu của ngày lễ Giáng Sinh.
Biểu tượng đặc trưng cho lễ Giáng Sinh chính là cây thông trang hoàng rực rỡ bằng các món trang sức đủ hình dạng và màu sắc. Tại sao cây thông được dùng trong mùa Giáng Sinh? Câu trả lời bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 khi một thầy dòng gốc Credition, Devonshire đến Đức để rao giảng lời Chúa. Ông đã sống và làm việc ở Thuringia, nơi sau này phát sinh ra kỹ nghệ sản suất đồ trang trí Giáng Sinh. Câu chuyện bắt đầu khi người thầy dòng này đã dùng cây Linh Sam vì nó có hình dạng tam giác để diễn tả chúa 3 ngôi (Cha, Con, và Thánh Thần) cho người dân ở đây. Kể từ đó, người dân ở đây tôn sùng gọi cây Linh Sam là Cây của Chúa giống như lúc trước người ta đã tôn sùng cây Sồi. Đến thế kỷ thứ 12, ở vùng trung âu (Central Europe?) người ta treo ngược cây này trên trần nhà vào mỗi dịp Giáng Sinh như là biểu tượng của Thiên Chúa (Christinanity). Đến khoảng thế kỷ thứ 17, truyền thống trưng bày cây thông trong nhà lan rộng khắp Châu Âu và sau đó là châu Mỹ khi những người di dân gốc Đức đặt chân đến tiểu bang Pensylvania. Ban đầu, cây thông Giáng Sinh chỉ là một cây thông đơn sơ mà người ta đốn từ các rừng thông đem về dựng trong nhà. Theo lịch sử, ông Martin Luther được xem là người đầu tiên dùng những cây nến nhỏ đặt lên trên các cành lá của cây Evergreen vào thế kỷ thứ 16 để tạo ra những ánh sáng lung linh tựa như những ánh sao từ trời cao chiếu xuống Bethlehem, nơi chúa sinh ra. Đến năm 1880, cửa hàng Woolworths là tiệm đầu tiên bày bán các món đồ trang trí cây thông (ornaments) đã được làm sẵn. Và những dây đèn điện đủ màu mới thực sự xuất hiện để thay thế cho các ngọn nến trước kia vào năm 1882. Rồi 41 năm sau tức 1923, ông Calvin Coolidge đã tổ chức buổi lễ giăng đèn cây thông Giáng Sinh đầu tiên bên ngoài nhà Trắng. Từ đó, tục lệ giăng đèn cây thông Giáng Sinh và hát thánh ca mới trở thành một trong những truyền thống hàng năm tại của phủ tổng thống Hoa Kỳ.
Ngoài cây thông còn có một loại cây khác cũng được xuất hiện chỉ vào dịp Giáng Sinh, đó là cây Tầm Gửi mà tiếng Anh gọi là Mistletoe. Ở Hoa Kỳ có một tục lệ dễ thương nhất về cây tầm gửi đó là nếu ai đó đứng dưới chùm cây tầm gửi sẽ phải hôn người đang đứng bên cạnh. Theo người xưa kể lại, người đàn ông phải hái hết tất cả các trái tầm gửi trên cành trong lúc anh ta hôn người phụ nữ. Và đối với phụ nữ nào còn độc thân đứng dưới cành cây tầm gửi mà không được hôn sẽ bị vướng cảnh độc thân suốt cả năm. Sự tích về cây tầm gửi bắt đầu bằng câu chuyện thần thoại về vị thần mặt trời mùa hạ tên là Balder. Vị thần này một lần nằm mơ thấy mình sẽ bị chết. Cậu bé Balder bèn kể lại cho mẹ là nữ thần Frigga, vị thần của tình yêu và sắc đẹp. Bà mẹ Frigga sau khi nghe xong đã quá lo sợ nghĩ rằng giấc mơ có thể là một điềm báo nên bà cầu xin tất cả vạn vật trên trái đất hãy bảo vệ con trai bà. Bà còn nguyền rằng nếu Balder chết đi thì tất cả mọi vật cũng sẽ phải chết theo. Từ đó, thần Balder lớn lên và miễn nhiễm với bất kỳ cây cỏ gì mọc lên từ mặt đấy mà các trẻ con cùng lúc dùng để ném vào cậu. Tuy thế, một trong số kẻ thù của Balder là Loki đã tìm ra kẽ hở trong lời nguyền của nữ thần Frigga chính là cây tầm gửi. Sở dĩ cây tầm gửi không bao giờ mọc lên từ đất mà là sống nhờ vào thân cây khác nên không bị ảnh hưởng bởi lời nguyền của nữ thần Frigga. Do biết thế, Loki đã dùng thân cây tầm gửi làm thành mũi tên, rồi lừa người em bị mù của Balder là Holder dùng mũi tên ấy bắn vào Balder. Chính mũi tên ấy đã hạ sát Balder. Ba ngày trôi qua, tất cả vạn vật trên thế gian tìm đủ mọi cách để cứu Balder nhưng đều thất bại. Cuối cùng, chính những giọt nước mắt của bà mẹ Frigga khóc than con mình đã làm cho những trái tầm gửi chuyển từ màu đỏ sang trắng đem sinh mạng của Balder trở lại. Nhờ đó mà cậu được hồi sinh. Quá đỗi vui mừng, nữ thần Frigga đã lấy lại tiếng xấu của cây tầm gửi và bà đã hôn tất cả những ai bước dưới cây tầm gửi để tạ ơn cứu mạng con bà. Từ sự tích này, cây tầm gửi đã trở thành biểu tượng tình yêu vào dịp Giáng Sinh.
Mặc dù Noel có rất nhiều tục lệ phong phú khác nhau, nhưng đặc biệt nhất vẫn là ông già Noel mà tiếng Anh gọi là Santa Clause. Theo bách khoa toàn thư, ông già Noel là một nhân vật có thật. Đó chính là vị thánh trẻ Nicholas của thế kỷ thứ 4. Thánh Nicholas sinh tại nước Lycian vào thời trung cổ, ngài đến Palestine và Ai Cập lúc còn trẻ. Ngài nổi tiếng là người có lòng thương người và đối xử tốt với những người nghèo khó hay buồn tủi. Sau khi chết, ngài đã được giáo hội Công Giáo phong thánh qua nhiều phép lạ mà ngài đã làm cho người nghèo hay cô thế. Thánh Nicolas là ông già Noel có thật ngoài đời. Thế còn ông già Noel phúc hậu, râu tóc trắng xóa trong các truyện cổ tích trẻ con bắt đầu có khi nào? Hình ảnh ông già Noel này chỉ bắt đầu được ra đời khi nhà thơ Clement Moore đã viết bài thơ Một Đêm Trước Giáng Sinh vào năm 1822 riêng tặng gia đình ông. Trong bài thơ, nhà thơ đã miêu tả đêm Giáng Sinh với hình ảnh các tuần lộc kéo xe trượt tuyết trên không, ống khói, và một ông già mập lùn phúc hậu với bao quà lớn gấp đôi ông treo trên vai. Bài thơ đã được đăng trên báo nhiều lần và được độc giả đón nhận nồng nhiệt đến độ ai cũng có thể thuộc nằm lòng bài thơ này vào khoảng thời gian năm 1830. Mãi đến khoảng giữa năm 1863 và 1886, tuần báo Harpers Weekly đã đăng thêm một số hình vẽ phóng tác thêm để tả về nơi làm việc của ông già Noel, cảnh ông đọc thư trẻ em gửi đến hoặc đang dò lại danh sách quà tặng trước khi đi phát quà đêm Vọng Giáng Sinh, etc. Trong đợt hình ảnh này, trang phục màu đỏ viền trắng của ông già Noel đã được phỏng họa theo trang phục của thánh Nicholas. Từ đó trở đi, ông già Noel đã đi vào lịch sử của nhân loại.
Giáng Sinh là câu chuyện cổ tích lâu đời nhất từ trước đến nay qua bao thế hệ mà chính con người góp phần vào không ít để làm cho Giáng Sinh mãi tồn tại. Giáng Sinh cũng chính là mùa yêu thương, mùa hy vọng, và là mùa mang bình an đến cho nhân loại. Chúng ta có thể không nhớ Giáng Sinh có tự bao giờ, nhưng chúng ta vẫn có thể làm cho Giáng Sinh tiếp tục hiện hữu bằng chính hành động yêu thương của mỗi chúng ta dành cho gia đình và mọi người xung quanh.
Mến chúc tất cả một mùa Giáng Sinh tràn đầy yêu thương, an lành và hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét