Đến với bài thơ " Mưa ngày xưa"
MƯA NGÀY XƯA .
Chiều nay mát quá cơn mưa
Nhưng giờ mưa khác ngày xưa rất nhiều
Mưa xưa vắng buổi chợ chiều
Mẹ về ướt đẫm bao nhiêu nhọc nhằn
Mưa nhiều như nỗi khó khăn
Nhiều như gánh nặng mẹ hằn trên vai
Mưa xưa lắm nỗi u hoài
Buổi cơm chiều với sắn khoai đỡ lòng
Mưa đùa mái lá trống không
Mẹ ngồi khắc khoải chờ mong cha về
Mưa xưa lắm nỗi tái tê
Mẹ lau nước mắt vỗ về con thơ
Mưa xưa có tiếng ầu ơ:
“...Bao nhiêu nỗi nhớ thiếp chờ nơi đây...”
Bao giờ cha thấy cảnh này
Mưa ngày xưa đó những ngày vắng cha
TC .
Chẳng biết vô tình hay hữu ý , hữu duyên hay vô duyên , đọc bài thơ : “Mưa ngày xưa” của tác giả TC , tôi cứ cảm động làm sao ấy . Ngay từ những lần đầu tiên đọc bài thơ này , tôi đã không tránh khỏi được những xúc cảm rất đỗi bình dị , gần gũi , thân thương với mỗi con người chúng ta . Mở đầu bài thơ chính là cảm xúc của tác giả trong sự so sánh “vướng đề”( tôi không gọi là vấn đề ) khác biệt giữa cơn mưa ngày xưa và cơn mưa ngày nay :
“ Chiều nay mát quá cơn mưa
Nhưng giờ mưa khác ngày xưa rất nhiều”
Câu thơ “chiều nay mát quá cơn mưa” như một lời reo lên trong sự sung sướng . Cảm nhận cơn mưa một cách chân thực …nhưng sự reo vui đó bất chợt ngưng lại ở chữ: “nhưng” , ta cảm giác như một luồng cảm xúc về cơn mưa của tác giả có sự hồi tưởng …nhớ nhung về những cơn mưa ngày xưa . Bằng những vần thơ lục bát mượt mà , bình dị , tác giả bắt đầu đưa ra một loạt hình ảnh so sánh :
“Mưa xưa vắng buổi chợ chiều
Mẹ về ướt đẫm bao nhiêu nhọc nhằn
Mưa nhiều như nỗi khó khăn
Nhiều như gánh nặng mẹ hằn trên vai
Mưa xưa lắm nỗi u hoài
Buổi cơm chiều với sắn khoai đỡ lòng”
Hình ảnh người mẹ được hiện lên khiến người đọc xót xa , trăn trở …với nỗi vất vả , chịu thương , chịu khó “một nắng hai sương” nơi miền quê ấy . Cái cảnh “buổi chợ chiều” đã vắng rồi , mà người mẹ ấy lại gặp phải cơn mưa nữa “mẹ về ướt đẫm bao nhiêu nhọc nhằn” . Đây chính là hình ảnh làm thổn thức trái tim tôi , gợi lên bao hình tượng khó quên về những cơn mưa ngày xưa nơi ký ức … nhói đau cả lồng ngực . Cảnh chợ chiều tan tác , mọi người đã về trú mưa bên mái ấm gia đình của mình , chỉ còn mẹ là “ướt đẫm” bao nhiêu nhọc nhằn .
Chỉ bình thường nếu như chỉ là so sánh những cơn mưa theo sự biến chuyển của thời tiết . Nhưng “mưa” ở đây phải chăng cũnglà “cơn mưa lòng” của chính tác giả ? Vâng , những cơn mưa bây giờ , dù là mưa rất nhiều , lòng người cũng buồn buồn đấy. Nhưng với tác giả thì không thấm vào đâu so với những “cơn mưa ngày xưa” cả “Mưa nhiều như nỗi khó khăn - nhiều như gánh nặng mẹ hằn trên vai” . Xét cho cùng , vẫn là tình cảm của người lữ khách với người mẹ chốn quê . Mưa giờ bao nhiêu thì lại nghĩ …và thương mẹ bấy nhiêu . Gánh nặng mà người mẹ phải gánh đó là sự mưu sinh cuộc sống để nuôi những đứa con thơ dại . Dù biết được cơn mưa sẽ ập tới , nhưng nỗi khó khăn vẫn còn chồng chất , gánh nặng về cuộc sống lúc nào cũng như muốn trĩu nặng trên đôi vai người mẹ . Đúng là “mưa xưa lắm nỗi u hoài” thật . Hình ảnh người mẹ luôn sống cùng với những cơn mưa , thế mà cũng chỉ đủ : “Bữa cơm chiều với sắn khoai đỡ lòng”. Phải chăng tác giả chính là người đã cùng mẹ vượt qua bao ngày mưa gian khổ ấy ?
Một hình ảnh về “mưa ngày xưa” cùng với căn nhà lá được tác giả nhớ lại như thế này :
“Mưa đùa mái lá trống không
Mẹ ngồi khắc khoải chờ mong cha về”
Ta cảm nhận như trong căn nhà lá ấy chỉ luôn có tình “mẫu tử”. Một mái lá không đủ để chống chọi được với những trận mưa . Ngôi nhà luôn lạnh lẽo vì vắng bóng người cha , mưa xuống lại càng buồn da diết trong tâm hồn người mẹ . Người mẹ ấy lại khắc khoải , mong chờ người cha . Một tình nghĩa phu thê rất đáng trân trọng . Đau khổ , tái tê nhiều quá , rồi người mẹ lại tự an ủi mình “lau khô nước mắt vỗ về con thơ” . Có phải chăng tôi là người quá đa cảm ? Tự hỏi lòng mình như thế … Đến đây tôi đã khóc trên bàn phím , mắt đã nhòe đi trước tình cảm yêu chồng , thương con của người mẹ . Một sự đồng cảm đã le lói trong tôi - quặn thắt lòng khi nghĩ đến mẹ của mình …cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh như thế .
Mưa xưa có tiếng ầu ơ:
“...Bao nhiêu nỗi nhớ thiếp chờ nơi đây...”
Lời ru con của người mẹ , vỗ về con thơ mong cho con ngủ lại chính là tâm sự , nỗi lòng của mẹ gửi gắm vào lời hát ru “ bao nhiêu nỗi nhớ thiếp chờ chàng đây” . Mà cũng không biết chờ đến bao giờ nữa?...
Mong muốn cuối cùng của tác giả gửi đến cha :
“Bao giờ cha thấy cảnh này
Mưa ngày xưa đó những ngày vắng cha”
Một mình mẹ nuôi con thơ trong những cảnh đường trơn , mưa gió như vậy , không biết người cha có thấu được không ?Đó là một lời nhắc nhở chân thành đồng thời cũng là khẳng định lại”mưa ngày xưa” - một quãng thời gian khó khăn , cực khổ đã đi qua , nhưng cần phải nhớ . Không chỉ là sự thấu hiểu của người cha , mà trong lòng người con ấy luôn ghi nhớ về một tình mẫu tử thiêng liêng nhất nơi “chôn rau cắt rốn” của mình .
Cái hay của bài thơ chính là lối diễn đạt rất tình cảm của thể thơ lục bát . Ngôn ngữ , vần điệu , câu từ …trong thơ không phải là những từ ngữ khó hiểu , vì thế ta không có gì trăn trở ở từ ngữ cả . Nhưng sự trăn trở trong bài thơ cũng chính là ở tình cảm của nhân vật trữ tình trong thơ . Đối với tôi , một bài thơ hay thường tôi nhận thấy có sự đồng điệu với tâm hồn . “ Mưa ngày xưa” là bài thơ tôi thấy tâm đắc , tôi cho là hay với riêng tôi . Cảm ơn tác giả TC , đã cho tôi hiểu được “mưa ngày xưa” khác mưa ngày nay . Đọc bài thơ , tôi cảm nhận được như chính nỗi lòng của tôi về một người mẹ của mình . Khép lại “mưa ngày xưa” rồi nhưng hình ảnh mưa …lại cứ hiện về , cứ thế … để rồi vương vấn một cõi tâm can .
Nguồn:hoangnhungmedia
Trời lúc này cũng mưa và lạnh nữa, gửi tặng những người bạn của tôi, và cả mọi người nữa, hy vọng sẽ không còn ai thấy cô đơn và buồn bã nữa, vì bên những người bạn thân yêu..
Ngày xưa lúc thơ bé, ta thường nhìn mưa hát
Và khi cơn mưa như nặng hạt, lại có bóng nước chợt tan
Mẹ bảo ta rằng bong bóng mưa
Và mẹ cũng đi mãi, trong chiều mưa bong bóng
Mẹ đi mang theo câu chuyện buồn
Cổ tích bong bóng và mưa
Chuyện mẹ ru ngày xưa thật xưa
Thu về làm mưa không ngớt
làm cho thêm câu chuyện buồn
làm cho thêm câu chuyện buồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét