.

.

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

THÁI BÌNH


THÁI BÌNH

Tặng người con gái có quê ngoại Thái Bình





Bài ca năm tấn

Sáng tác: Nguyễn Văn Tý

Trong tiếng súng cả nước cùng đánh Mĩ
Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày
Đất với người cùng một dòng suy nghĩ
Ấy phải làm gì với tiền tuyến hôm nay
Ấy phải làm gì nắm phần thắng trong tay
Đất ơi! ba tháng mười ngày
Lúa sinh rồi ra cây lúa đẻ
Việc này lo ta cùng lo
Lo nước ấy phải đắp bờ
Tình tình ơi này! lo nước ấy phải đắp bờ
Ta lo phân phải chăm bao đầu lợn ấy
Muốn bông lúa to phải lo chọn giống gì
Nhớ câu xưa: nhị thục nhất thì
Nhiều công chăm bón ơ ơ
Cây gì, cây gì chẳng lớn ra
Hoa đỗ cũng thể hoa cà
Tình tình ơi này, hoa đỗ cũng thể hoa cà
Thương hoa xanh chẳng quên hoa vàng nhạt ấy
Có bông lúa to nhớ khoai lang đứng kề
Đã thương nhau cho trọn cả bề
Mẹ cha vun xới ơ ơ...
Ta về ta về cùng với nhau
***
Năm tấn thóc để góp phần đánh Mĩ
Một đoá hoa thơm mang tất cả sức trẻ già
Có máy hoà cùng nhịp đàn trâu bước
Có cả lòng người lẫn ban hợp tác chung lo
Có cả tình người giữ đàn cháu ngây thơ

Bấy lâu mới có bây giờ
Lúa ta càng tung đôi cánh mở
Cuộc đời ta thêm tự do
Có đất ấy chẳng nên bờ
Tình tình ơi này, có đất ấy chẳng nên bờ
Phân kia trôi để cho đau lòng ruộng ấy
Lúa kia xác xơ trách ai sao hững hờ
Tiếc công ai mười hẹn chín hò
Bài ca năm tấn ơ ơ
Đang chờ, đang chờ về với ta
May áo cũng phải xem tà
Tình tình ơi này, may áo cũng phải xem tà

Thâm canh xen chỉ thêm nên từng việc ấy
Nắm bông lúa to thấy ra bao ý tình
Đất quê ta chung thủy Thái Bình
Bài ca năm tấn ơ ơ
Vươn mình, vươn mình về khắp nơi
Cây lúa nói chẳng lên lời
Tình tình ơi này, cây lúa nói chẳng lên lời
Ai ra đi để cho yên đồng ruộng ấy
Lúa thương nhớ ai lúa ra nơi chiến trường
Bát cơm thơm yên dạ đá vàng
Miền Nam ta thắng ơ ơ
Lúa càng trĩu bông...


Người con của Thái bình


Giới thiệu về Chùa Keo

Chùa thường gọi là chùa Keo, tọa lạc ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa ban đầu có tên là Nghiêm Quang, được dựng từ năm 1067 ở hương Giao Thủy, cạnh bờ sông Hồng. Đến năm 1167, chùa mới đổi tên là chùa Thần Quang. Do ảnh hưởng mực nước sông Hồng, từ năm 1611, chùa đã được dân làng dời đi, lập lại chùa mới ở Nam Hà và Thái Bình. Việc dựng chùa mới được bắt đầu từ năm 1630, hoàn thành năm 1632. Chùa được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ XVII, XVIII và năm 1941. Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Sau chùa Phật có đền thờ Thiền sư Không Lộ, người khai sơn ngôi chùa vào thời Lý. Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái. Tầng một có treo một khánh đá (dài 1,87m), tầng hai có quả chuông đúc năm 1686, tầng ba và tầng thượng có chuông đúc năm 1796. Chùa là ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam.

Nếu có dịp về thăm chùa Keo, thì du khách hãy đến vào hội mùa thu. Từ thành phố Nam Định, qua phà Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10 km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng không một bóng núi non, chùa Keo với gác chuông nhưmột hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun bón bởi phù sa sông Hồng do nước sông Trà Lĩnh bồi đắp.

Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang Tự, được xây dựng từ năm 1630 đến năm 1632 theo phong cách kiến trúc thời Lê, nhờ sự vận động của bà Lại Thị Ngọc, vợ Tuần Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng, và Đông Cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ.

Nhưng lịch sử của ngôi chùa thì có bề dày đến hơn chín thế kỷ. Theo sách Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục, năm 1061, Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình này.

Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng đến 58.000 m2. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25 m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa chạm rồng chầu (thế kỷ 16). Sau đó là chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Trong cùng là tòa gác chuông, nhà tổ và khu tăng xá.

Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04 m gồm 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng ngậm, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Tầng một treo khánh đá 1,20 m và chuông đồng cao 1,30 m, đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông (1686); hai tầng trên treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69 m đúc vào năm 1796.

Đứng soi mình xuống hồ nước phẳng lặng giữa một không gian thoáng đãng, chùa Keo không chỉ lưu giữ nhiều di vật quý giá mà còn chứa đựng những điều huyền bí gắn liền với cuộc đời Thiền sư Không Lộ. Theo sách Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu, Thiền sư Không Lộ vốn họ Dương, sinh ra trong một gia đình ngư phủ, xuất gia theo Thiền sư Lôi Hà Trạch.

Tương truyền rằng từ khi đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước và thuần phục được rắn, hổ. Truyền thuyết còn kể rằng trước khi viên tịch, Ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.

Cứ 12 năm một lần, làng Keo lại cử ra một người hội chủ và bốn viên chấp sự để làm lễ trang hoàng tượng Thánh. Những người này phải ăn chay, mặc quần áo mới, họ rước thánh tượng từ cấm cung ra rồi dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm và tô son lại cho tượng Thánh. Công việc này phải làm theo một nghi thức được quy định rất nghiêm ngặt, những người chấp sự phải tuyệt đối giữ kín những gì đã thấy trong khi trang hoàng tượng Thánh.

Đến thăm chùa, khách có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

Tam quan chùa có đủ cả 3 gian gồm không quán, giả quán và trung quán. Đây là công trình kiến trúc đơn lẻ đậm vẻ kiến trúc của thế kỷ 17. Điều đặc biệt là đôi cánh cửa, chiều cao 2m, chiều rộng 1,3m khi khép lại tạo ra một mạng chạm hoàn thiện, giữa là mặt nguyệt, hai bên là 2 con rồng chầu, thân rồng uốn nhiều lần, đầu tóc rất dữ dội. Đao rồng dựng lên như biển lửa, chúc xuống như rừng giáo mác. Phía sau là 2 rồng con núp sau rồng mẹ, dáng vẻ rất thảnh thơi. Về mặt kiến trúc, trên một mặt chạm gỗ đục sâu không quá 3cm, nghệ nhân rất thành công khi áp dụng luật tối, sáng, xa gần dù không dùng tới một chút màu nào cả nhưng khi ta nhìn thấy có tối, có sáng, có xa, có gần với những đường chạm rất sắc sảo, nét khắc rất tinh vi. Nếu đôi cánh cửa ở Chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời Lê".

Đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là nơi quý khách sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh. Điều quý nhất ở khu tam bảo là pho tượng Quan Âm Nam Hải có niên đại 450 năm. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng. Bùi Anh Diêm giới thiệu: "Pho tượng Tuyết Sơn hay còn gọi là Thích Ca Mâu Ni này có tính chất nhân trắc học tức pho tượng đã đáp ứng được sự tích. Từ xương sườn, xương quai xanh, bánh chè, đầu gối, mỏ ác đều thể hiện tài đức của ông. Môi mỏng thể hiện tài thuyết pháp, mắt thể hiện sự nhìn xa trông rộng và đầu thể hiện tư duy lớn. Pho tượng này có niên đại khoảng 400 năm".

Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Hội chùa Keo diễn ra vào ngày 4 Tết âm lịch và từ 13 đến 15-9 âm lịch. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa.

Phía trong cùng là gác chuông chùa Keo. Đối với những người Thái Bình xa quê hương thì đây là biểu tượng của quê hương Thái Bình. Chiều cao gác chuông là 12,7m, chịu lực trên 4 cột chính, mỗi cột cao 5m, đường kính 70cm và 3 tầng kiến trúc chồng lên nhau song không có sự che khuất. Phía trên cùng là quả chuông nặng 3 tạ, tầng thứ hai có quả chuông 8 tạ và tầng cuối cùng, quả chuông nặng 1,3 tấn.

Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đò tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ XVII, với nhiều kiệt tác đặc sắc như Thượng sư Không Lộ bằng gỗ trầm, tượng Quan Âm từ thời Mạc, tượng Cửu Long, tượng La Hán thời Lê.

Chùa Keo là một công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trụ, người thiết kế và chỉ đạo thi công chùa đã khéo lựa chọn cho chùa có một vị trí xây dựng vừa đẹp, vừa đáp ứng mục đích chính của chốn thiền. Chùa xây dựng trên một vùng đất rộng 100.000 mét vuông, dài từ chân đê đến con ngòi của thôn Bồng Tiên, gồm nhiều cụm kiến trúc xếp theo một trục dài cao thấp khác nhau, kiến tạo nhiều lớp nhiều tầng, ẩn hiện dưới những lùm cây, gợi cho khách tham quan, những nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ thuật nhiều cảm nhận theo những khoảnh khắc khác của thời gian như: khi thì mái ngói dào lên cơn sóng nắng, khi thì gác chuông chìm xuống ráng chiều tà. Hay trong giây phút tĩnh lặng tâm hồn, một tiếng chuông buông và phút chốc trời đất bốn phương cũng giao hòa. Nếu không phải bị cuốn hút bởi những điều đó thì hãy theo bước chân của những người hành hương vào chùa qua Tam quan ngoài, Tam quan trong, đến gần một hồ rộng để tầm mắt hướng từ cao nhìn xuống sẽ dần dần phát hiện được cái lẽ đời Việt Nam ẩn dấu, hình thành một chuẩn mức thẩm mỹ.

Mọi người đến với chùa không có một chút gì ngăn cách về tinh thần, bắt đầu từ thể thức và mực thước của kiến trúc gợi nên vẻ đẹp uyên nhã, khơi dậy những tình cảm vuông tròn như trong nếp nghĩ và sự cầu mong của người nông dân Việt Nam là luôn luôn được mưa thuận gió hòa, là cuộc sống sinh sôi nảy nở mẹ tròn con vuông, là sự sinh tồn lấy lẽ bao dung và đùm bọc làm thước đo chân lý.

khi đến chùa ta thấy một không gian khép kín nhưng không hề bị chật hẹp, tù túng mà bao trùm một vẻ đẹp vươn tỏa bao la. Bí quyết để giải quyết điều này là ở chỗ kiến trúc chùa Keo đã mạnh dạn sử dụng mặt nước rộng ở cả 3 mặt trước và hai bên để thế chùa vừa mở rộng, vừa vươn cao trong ảo giác để hình bóng dáng chùa lẩn dần vào chiều sâu mặt nước, khiến cái ranh giới cụ thể nhằm đáp ứng tinh thần kín như văn bia Thần Quang Tự đã ghi: "Ngăn che khách trụ ghé nhòm" được xóa mờ với cảm giác bao la trong tâm tưởng khi muốn vươn tới chốn thiền. Ngoài cái sâu lắng trong tình cảm thẩm mỹ thì thực tại mặt nước soi bóng những hàng cây cổ thụ, bên nếp chùa có dáng thuyền rồng có những đường cong bờ nóc, như mãi lưu lại những vầng trăng khuyết là một thực tại cảnh quan như một nhà thơ về thăm chùa đã viết:

"Rõ là cảnh đấy, người đây
Chùa Keo ơi nước non nào nên duyên"

Cũng giống như các chùa làng khác, bên ngoài là chữ Quốc, bao bọc bởi hai dãy hành lang bên tả, bên hữu gồm 42 gian, phía nước là hai cổng vào tòa nhà Hộ, phía sau là nhà thờ Tổ và gác chuông. Bên trong là chữ Công, nhưng là chữ Công kép vì chùa thờ tiền Phật hậu Thánh. Cụm kiến trúc chữ Công phía trước là nơi thờ Phật còn cụm kiến trúc chữ Công phía sau là thờ Thánh Không Lộ. Không Lộ là người đã đi tu và khởi đầu xây dựng chùa từ thời Lý thế kỷ thứ 11. Giữa hai cụm kiến trúc thờ Phật, thờ Thánh có tòa Giá Roi. Tòa nhà này trang trí không nhiều nhưng có cấu trúc đơn giản, hợp lý, có độ dựng thẩm mỹ được tính toán từ những hài hòa của tỷ lệ. Tỷ lệ của chúng từ chiều cao, độ to cột, hình dáng, đường nét đục chạm của bộ rui xà chặt chẽ đến mức không dư thừa, và như nhiều nhà nghệ thuật nói thì không thêm, không bỏ được điều gì ở đó.
Trong số các ngôi chùa được công nhận là di tích văn hóa nghệ thuật cần được bảo vệ như một gia tài qúy báu thì Chùa Keo được xếp vào hàng ưu tiên. Công bằng mà nói, ngoài mức độ của sự uy nghi thì việc xây dựng chùa trước hết là tâm huyết của hàng vạn con người trong một thời gian dài non nửa thế kỷ. Chùa Keo là một giá trị, những giá trị về nghệ thuật, văn hóa, về tâm đức lòng người. Xét về mặt kiến trúc thì không thể không nhấn mạnh tổ chức không gian các tòa nhà trong cụm kiến trúc. Thoạt nhìn có sự giống nhau, và đồng nhất về mặt kích cỡ, nhưng thực ra lại có sự khác nhau trong từng tỷ lệ của cấu trúc, trong sự phong phú, trong nguyên tắc bố trí mặt bằng theo nhịp điệu thay đổi đúng mức, chỗ thì mở ra, chỗ thu hẹp vào rồi lại mở ra, tạo độ sâu trong không gian ngôi chùa, thu hút sự chú ý đến liên tục, gợi tạo sự phong phú của nội thất. Mặt bằng bên trong của ngôi chùa vẫn trong khiêm tốn về kích thước. Người Việt xưa trong những công trình kiến trúc của mình thường không ưa vẻ đồ sộ nhưng kiến trúc không nghèo nàn, vẫn dẫn ta từ không gian này đến không gian khác. Sự dãn cách của các công trình đã đạt được mục đích cố tình của nghệ thuật tổ chức không gian, làm không gian trong chùa không những có nhiều khu mà còn gợi ra khoảng không gian có nhịp điệu nhạc tính khi thưởng ngoạn.

Chùa Keo đã tồn tại ngót 400 năm. Trong suốt thời gian ấy, chùa Keo vẫn trọn vẹn là một tác phẩm nghệ thuật, ghi đậm một tình cảm thẩm mỹ vừa thực, vừa huyền thoại của văn hóa Việt Nam.



Nguồn:queluathaibinh.com

VĂN HÓA DÂN GIAN TRUYỀN THỐNG

Khi nói đến sân khấu dân gian ở Thái Bình, người ta đặt tên cho Thái Bình là đất chèo, là quê hương rối nước. Trong lịch sử hai loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian này là thế mạnh trong đời sống tinh thần của các cộng đồng làng xã ở Thái Bình.

Chèo:

Chiếng chèo làng Khuốc (thuộc xã Phong Châu - huyện Đông Hưng) ra đời từ rất sớm, đã truyền đời hàng chục thế hệ nghệ nhân, đã từ sân khấu dân gian chuyển vào phục vụ trong cung đình của các vương triều phong kiến. Thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, các nghệ nhân chèo Khuốc đã mang gánh chèo làng mình biểu diễn ở các hội hè đình đám ở nhiều vùng trong tỉnh. Trước Cách mạng tháng Tám nhiều nghệ nhân của chiếng chèo này đã có mặt và làm nổi danh cho nhiều gánh hát, nhà hát ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Bắc Ninh …

Cho đến nay, những người sành chèo, mê chèo ở Việt Nam và cả thế giới đã có ấn tượng tốt đẹp về những đào, kép ở chiếng chèo Khuốc. Ấn tượng chèo Khuốc đã đi vào câu ca dao truyền thống ở nhiều vùng nông thôn:

"Hỡi cô thắt dải lưng xanh

Có xem chèo Khuốc với anh thì về"

Múa rối nước:

Thái Bình từ bao đời nay tồn tại một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo mà thế giới đã đánh giá là loại hình nghệ thuật "có một không hai, là linh hồn của đồng ruộng Việt Nam" đó là nghệ thuật múa rối nước. Thái Bình là một địa phương tập trung nhiều phường hội rối nước dân gian cổ truyền. Rối nước Thái Bình phong phú và có trình độ nghệ thuật cao. Phường rối nước làng Nguyễn (Nguyên Xá - Đông Hưng) là nơi còn lưu giữ được nhiều loại quân rối nhất, từ chú Tễu (Tễu làng Nguyễn là một quân rối lớn nhất ngành rối Việt Nam - cao 0,90m) đến thầy Đường Tăng, từ tên lính Pháp đến anh bộ đội chống Pháp, chống Mỹ, từ con Lân cỡ lớn đến con vịt, con cá bé nhỏ xinh xắn… Nhìn vào quân rối nước phong phú, đa dạng ở làng Nguyễn người ta mới thấy hết tài ba của những nghệ nhân cả về nghệ thuật tạo hình lẫn kỹ thuật chế tạo máy điều khiển.





Huyền thoại một con đường

Đêm giao lưu “Huyền thoại một con đường” thật ấn tượng và xúc động. Tôi cứ nghẹn ngào lặng im nghe lời tự bạch của nhà sư Thích Đàm Thân, pháp danh Tâm Trung. Nữ tu mới ở chùa Đông Am, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, Thái Bình lên Hà Nội sớm ngày 18-5, chuẩn bị cho buổi giao lưu phát trực tiếp trên sóng truyền hình VTV1.

Trầm mặc và rành rẽ, nhà sư nói hồi năm 1970, lúc đó là cô gái vùng lúa mới 17 tuổi, đã tình nguyện vào Trường Sơn. Hơn 10 năm sống và chiến đấu, chị về quê nhà rồi xuống tóc vào chùa. Nhà sư thấy tôi nhìn một chú tiểu yên lặng ngồi bên bàn giới thiệu ! Đây là đệ tử Vũ Thị Tình, bố mẹ đều là bộ đội, đã hy sinh. Nhà chùa cho nương nhờ từ khi 6 tuổi, nay đã vào tuổi 15, học hết lớp 8 rồi đó. Kế bên nhà sư là một phụ nữ mà từ lúc bước chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội cứ ơ thờ, chẳng mấy nhìn ngó cảnh sang, người lạ. Đó là chị Năm Nghĩa (Vũ Thị Minh Nghĩa), người tôi đã gặp trong phim phóng sự “Linh Cảm” phát trên truyền hình ngày nào. Năm Nghĩa cùng với sư Thích Đàm Thân đi bộ đội cùng một đợt. Hết chiến tranh, chị không vào chùa mà hậm hụi mấy chục năm đi tìm đồng đội, dù chỉ còn là nắm xương, hay một kỷ vật, mang về quê hương bản quán cho người thân. Sao không nương nhờ cửa Phật, chị cũng xuống tóc ? Các anh bảo tôi thế, đồng đội tôi bảo thế khi tôi thầm khấn sẽ trọn đời đi khắp nước này tìm thi hài các anh... Người phụ nữ đoan trang quê Thái Thụy - Thái Bình ấy vừa ở Bà Rịa - Vũng Tàu ra, nhận lời mời của Hội Cựu chiến binh Thái Bình có mặt trong buổi giao lưu này... Năm Nghĩa có giọng hát hay lắm, hồi ở Trường Sơn thường hát cho bọn tôi nghe, nhất là với tiểu đội nữ đồng hương. Chị Vũ Thị Liễu “trưởng đoàn Thái Bình” bảo thế. Nếu ban tổ chức cho phép, Năm Nghĩa sẽ hát đấy, hát “những bài ca không bao giờ quên”...

Một quá khứ đã qua, nhưng một hiện thực vẫn còn đây, một “hiện thực bốc khói”. Ông Trần Xuân Đán đưa người con gái từ Gia Viễn, Ninh Bình lên. Ông trước là nhà giáo tiểu học trường làng, làng Gia Lập. Nhà có 5 người con, 3 người đi bộ đội, Trần Thị Hòa là cô con gái út. Hòa trước là chiến sĩ thuộc C3-sư 472 đoàn 559. Có mặt ở Trường Sơn năm 1973. Sau ngày thống nhất, chuyển về làm công nhân xí nghiệp may Nam Định. Được một thời gian ngắn, không hiểu vì sao tay chân cứ co quắp lại. Thì ra Trần Thị Hòa nhiễm chất độc da cam mà không hề hay biết. Chị nói hồi ở chiến trường, thấy máy bay địch “xì khói”, cứ ngỡ là máy bay bị bắn cháy, cả tiểu đội ùa ra khỏi lán xem, vỗ tay rầm rầm. Ngờ đâu chúng thả xuống những cánh rừng săng lẻ chất độc hóa học. Tôi khẽ nắm bàn tay tật nguyền của người phụ nữ đã 52 tuổi ấy... Không lời nào có thể chia sẻ. Cả tuổi xuân đã hiến dâng cho đất nước. Bây giờ... chị ơi tôi càng thấm thía trong lời khai mạc cuộc giao lưu ca nhạc này, nhà văn Lê Lựu - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, đơn vị đứng ra tổ chức, trong ba câu “kính thưa”, ông đã nghẹn ngào: Thưa các đồng đội thân yêu của chúng tôi ! Đồng đội của chúng tôi. Chị Năm Nghĩa thầm thào bên tai tôi câu gì nhỉ, hình như là một câu thơ: Đồng đội ơi, nếu không vì đồng đội/ Thân gái dặm trường... Biết vì ai ? Tâm hồn một nhà văn và tâm hồn một người phụ nữ bình dị - dường như cùng rung lên một tiếng lòng. Vì cả hai đều là chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, đang hiện diện giữa hôm nay, giữa cái “hiện thực đang bốc khói” đều mang “dòng máu Trường Sơn” lúc nào cũng âm thầm sôi sục...

Chương trình giao lưu - ca nhạc “Huyền thoại một con đường” khép lại bằng câu chuyện của thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, tư lệnh Binh đoàn 12 - Thủ trưởng Tổng cục xây dựng Trường Sơn. Tướng Nhung và các chiến sĩ của binh đoàn Trường Sơn hôm nay có mặt trên các công trình xây dựng trọng điểm của đất nước, nhất là trên đại lộ Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đang có mặt trên công trường xây dựng, công trình thủy điện Sơn La, công trình thiên niên kỷ. Mang truyền thống của Trường Sơn năm xưa, truyền thống con đường mang tên Bác, các đồng đội của thế hệ đi trước đang viết tiếp những trang sử mới, vẫn kiên định “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” làm nên những con đường huyền thoại mới...


NSƯT Vũ Hà (Hà Nội Mới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến

Nhãn