.

.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Kỷ niệm 37 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không



Trận Điện Biên Phủ trên không


http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/e/e0/AAAA.jpg

Ngày 14-12-1972, Tổng thống Nixon phê chuẩn kế hoạch tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng. 193 máy bay B52 (với 663 lượt chiếc) và 999 máy bay chiến thuật (với 3.920 lượt chiếc) được huy động hòng đánh phá hủy diệt các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự, khu dân cư ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Nhưng quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích này, làm nên "Điện Biên Phủ trên không".
Với chiến dịch ném bom rải thảm cực kỳ tàn bạo này (theo tính toán của các nhà nghiên cứu thì sức tàn phá của nó tương đương với 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945), đế quốc Mỹ tin rằng, Hà Nội sẽ phải khuất phục. Vậy mà, tham vọng của bộ máy chiến tranh Mỹ đã sụp đổ. Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường (từ 18 đến 30-12-1972) quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52.
Thất bại này của Mỹ không chỉ đơn thuần là thất bại quân sự, mà là thất bại chiến lược toàn diện cả về quân sự lẫn chính trị.
Cùng với những thắng lợi giành được trước đó, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền nam, thắng lợi của trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền nam Việt Nam.
Thắng lợi này là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ; tài thao lược của Quân ủy Trung ương trong quá trình thực hiện phương hướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minhkính yêu đã chỉ ra: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do chuẩn bị từ nhiều năm trước, cho nên chúng ta đã không bị bất ngờ khi phải đối phó với cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào thủ đô Hà Nội và Hải Phòng.
Ngay từ năm 1966, khi B52 ra đánh đèo Mụ Giạ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân nghiên cứu cách đánh B52. Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Quán triệt tinh thần đó, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các LLVT mà trực tiếp là Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích bằng B52 vào Hà Nội. Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo biên soạn tài liệu cách đánh B52 để huấn luyện cho các đơn vị phòng không, không quân; tiến hành điều chỉnh lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, điều các đơn vị phòng không chủ lực về các địa bàn trọng điểm; xây dựng thế trận phòng không 3 thứ quân; chấn chỉnh công tác bảo đảm phục vụ chiến đấu... Các đơn vị tên lửa, ra-đa, phòng không đều chủ động triển khai nghiên cứu cách đánh B52 tại chỗ, đồng thời đưa một số đơn vị vào Khu 4 trực chiến để đúc rút kinh nghiệm. Bộ Tổng tham mưu đã điều hẳn một trung đoàn tên lửa vào Khu 4, thậm chí trong chiến dịch Quảng Trị đưa tới 4 trung đoàn vào tham chiến cùng với các lực lượng phòng không tại chỗ nhằm tìm ra cách đánh B52 hiệu quả nhất.
Không chỉ chuẩn bị về vật chất mà công tác chuẩn bị về chính trị tinh thần nhân dân và bộ đội cũng được tiến hành khẩn trương. Việc xây dựng QĐND toàn diện, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm nền tảng, đã phát huy mạnh mẽ, cao độ nhân tố con người - nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc đọ sức thần kỳ trong "12 ngày đêm Hà Nội" nói riêng và là nhân tố hàng đầu của nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam.
Đầu tháng 9-1972, ba tháng trước khi cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào thủ đô Hà Nội và Hải Phòng diễn ra, ta đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chiến dịch đánh B52. Những nội dung quan trọng như: công tác chuẩn bị; điều chỉnh bố trí lực lượng; nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không... về cơ bản đã được xác định. Chính vì vậy mà khi cuộc tập kích chiến lược của không quân địch diễn ra, ta đã không bị bất ngờ về chiến lược, chiến dịch cũng như cả về chiến thuật. Ngày đầu tiên, B52 vào đánh phá Hà Nội, Bộ Tổng tham mưu đã phát lệnh báo động trước 25 phút; còn những ngày sau đó, ta thường phát hiện B52 vào đánh Hà Nội trước 30 phút.
Nhờ phán đoán đúng âm mưu của địch, hạ quyết tâm kịp thời và chính xác, triển khai công tác chuẩn bị một cách đồng bộ, quân và dân ta đã giành được thế chủ động ngay từ đầu và duy trì nó trong suốt quá trình chiến dịch diễn ra.
Cách đánh cơ bản của không quân địch trong cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng là lấy B52 làm lực lượng chủ yếu, với sự hộ tống của không quân chiến thuật và không quân của hải quân. B52 tập trung đánh vào ban đêm, còn không quân chiến thuật làm nhiệm vụ gây nhiễu, chế áp các lực lượng phòng không và không quân của ta; đồng thời đánh xen kẽ giữa các đợt của B52 để duy trì cường độ đánh phá 24/24 giờ trong ngày.
Mỗi chiếc B52 là một trung tâm tác chiến điện tử và đi theo nó thường có từ 15 đến 19 máy bay gây nhiễu khác nhau. Mỗi tốp 3 máy bay B52 có thể rải thảm từ 60 đến 100 tấn bom trên một diện rộng. Lần đầu, phải đương đầu với cuộc tập kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B52 và các loại vũ khí tối tân hiện đại của Mỹ, các LLVT ta đã tìm ra cách đánh hay, phù hợp điều kiện thực tế về trang bị. Bộ đội ra-đa qua thực tế chiến đấu đã tách được B52 ra khỏi nền nhiễu và tách được B52 ra khỏi lực lượng hộ tống. Trong một khối nhiễu dày đặc, bộ đội tên lửa đã khắc phục được những hạn chế về tính năng binh khí kỹ thuật, biết phân biệt được mục tiêu thật và giả, tránh được tên lửa tự dẫn của máy bay địch, nhận diện được B52, tạo cho mình thế trận có lợi nhất để tiêu diệt mục tiêu; quân và dân ta đã nghiên cứu phát hiện ra điểm mạnh, yếu của địch, bảo đảm lực lượng nào cũng có thể hạ được máy bay, vũ khí nào cũng phát huy được tác dụng... Trong chiến dịch phòng không cuối tháng 12-1972, ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân, đối phó có hiệu quả với những thủ đoạn đánh phá nham hiểm của địch. Cách đánh sáng tạo và hiệu quả trong chiến dịch này là kết quả được đúc rút từ nhiều năm chống chiến tranh phá hoại, đặc biệt là những kinh nghiệm được bộ đội ra-đa, tên lửa, phòng không tích lũy, thậm chí được trả bằng xương máu qua những năm tháng trực chiến và nghiên cứu cách đánh B52 trên chiến trường Khu 4.
Để bảo đảm chắc thắng và giành thế chủ động ngay từ trận đầu, công tác nghiên cứu khoa học, bảo đảm vật chất, kỹ thuật cũng được các lực lượng vũ trang ta chuẩn bị công phu với nỗ lực rất lớn. Cho đến trước ngày 18-12-1972, ngày đế quốc Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, chỉ riêng ở Hà Nội ta đã xây dựng được 30 trận địa cho tên lửa, hơn 100 trận địa cho cao xạ các loại; mỗi tiểu đoàn tên lửa đều có hơn hai cơ số đạn; hệ số kỹ thuật của tên lửa bảo đảm 100%, của pháo phòng không là 95% và của ra-đa là 96,5%.
Ta đã tập trung một lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất cho chiến dịch, bao gồm: ba sư đoàn phòng không: 361, 363, 375; 23 tiểu đoàn tên lửa; 13 trung đoàn cao xạ; bốn trung đoàn không quân; bốn trung đoàn ra-đa; ba trung đoàn, hai tiểu đoàn phòng không của các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn. Ngoài ra còn có 346 đội (1.428 khẩu pháo) phòng không của dân quân, tự vệ. Toàn bộ lực lượng này được bố trí thành thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng.
Cũng trong chiến dịch này, ta đã xây dựng được một thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc và duy trì được sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng. Bên cạnh các lực lượng phòng không chủ lực, tại thủ đô Hà Nội ta đã tổ chức được 92 trận địa tập trung pháo phòng không tầm thấp và bốn đại đội cao xạ tầm trung (loại 100 mm), nhiều trận địa được bố trí trên các tòa nhà cao tầng, gần các mục tiêu trọng điểm, đón lõng trên các đường bay của địch... Ngoài ra còn có 1.122 tổ đội dân quân, tự vệ phối hợp đánh trả máy bay địch.
Nội dung cơ bản của chiến dịch phòng không tháng 12-1972 bao hàm cả hai mặt: Chủ động tích cực đánh địch, tiêu diệt lực lượng tiến công chiến lược B52 của chúng và triệt để phòng tránh, sơ tán làm giảm hiệu quả đánh phá của địch xuống mức thấp nhất. Công tác phòng tránh, sơ tán được quân và dân ta thực hiện một cách chủ động và triệt để bao trùm các mặt: tổ chức vận động nhân dân sơ tán ra khỏi các trọng điểm đánh phá; chỉ đạo củng cố và xây dựng hầm hố trú ẩn; tổ chức tốt hệ thống thông tin - thông báo, quan sát báo động; triển khai các phương án khắc phục hậu quả. Đối với LLVT, ngoài việc phối hợp với nhân dân thực hiện các nội dung nêu trên còn phải triển khai xây dựng các trận địa dự phòng, các sân bay dã chiến; sơ tán các xưởng trạm, tập kết vũ khí, đạn dược, nhất là vấn đề đạn tên lửa... Trước khi cuộc tập kích chiến lược bằng B52 diễn ra; Hà Nội đã huy động 370 ô-tô các loại chở hơn 30 vạn người ra khỏi nội thành, đưa số người sơ tán khỏi nội thành lên tới gần 55 vạn. Những nhà máy, xí nghiệp không thể sơ tán, đã được ngụy trang, bảo vệ chu đáo. Ở đâu có người, có tài sản, ở đó đều có hầm trú ẩn. Bên cạnh mạng lưới tình báo quốc gia, ra-đa cảnh giới, Hà Nội còn có 36 còi báo động, 36 đài quan sát của thành phố, 414 trạm quan sát của các khu, huyện, hình thành mạng lưới quan sát rộng khắp từ xa đến gần. Tổ chức hoàn chỉnh hệ thống cấp cứu phòng không bốn tuyến với 266 trạm ở các khu, huyện và 64 đội cấp cứu, 11 đội phẫu thuật lưu động.
Nhờ chủ động làm tốt công tác sơ tán phòng tránh, ta đã hạn chế được thiệt hại về người và của; nhất là tại một trung tâm đầu não như Hà Nội.
Thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không là thắng lợi của tư tưởng chiến lược tiến công, tính tích cực chủ động, mưu trí sáng tạo của quân và dân ta. Lần đầu, trong lịch sử 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), quân và dân ta đã tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn chống lại một cuộc tập kích chiến lược bằng B52 và đây cũng là cuộc tập kích lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Bằng chiến dịch này, ta đã giáng một đòn quyết định vào ưu thế của không lực Hoa Kỳ, trong đó nòng cốt là lực lượng không quân chiến lược.
(sưu tầm)


Xác máy bay B52 Mỹ tại bảo tàng Chiến thắng B52

Dấu tích chiến tranh


Xác máy bay B52 ở trên đường Hoàng Hoa Thám


Máy bay B52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội


Lực lượng Phòng không bảo vệ Hà Nội



Phụ nữ, trẻ em và người già được sơ tán
khỏi Hà Nội tránh bom đạn Mỹ

Khu phố Khâm Thiên bị máy bay B52 Mỹ ném bom hủy diệt tháng 12-1972


Đoàn không quân “Sao đỏ” đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang góp phần xứng đáng trong trận “Điện Biên Phủ trên không”

Chiến công của tập thể Anh hùng


Anh hùng Phạm Tuân

Câu chuyện thần kỳ về thành tích bắn rơi pháo đài bay B-52 - loại máy bay ném bom hiện đại nhất mệnh danh là bất khả xâm phạm của không quân Mỹ được gợi nhớ lại. Ông kể: “B-52 thường bay đêm, gây nhiễu mạnh, rất khó phát hiện. B-52 còn được các máy bay tiêm kích hiện đại nhất của không quân Mỹ F4, F111 hộ tống, bảo vệ nên hầu như không thể tiếp cận. Hồi ấy chúng ta cũng có những chiếc máy bay tiêm kích hiện đại nhất Mig 21 nhưng đã nhiều lần xuất kích, vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Trong đội ngũ cán bộ và phi công đã nảy sinh những biểu hiện tiêu cực...

Bên cạnh đó, một số đồng đội cũng xuất hiện sự nôn nóng, đánh “ẩu”. Song, trong một lần xuất kích, phi công Vũ Đình Rạng đã vượt qua được vành đai phòng thủ dày đặc của máy bay tiêm kích Mỹ, tấn công được pháo đài bay B-52 khiến máy bay này trọng thương, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất ở Thái Lan.

Trước diễn biến ấy, Bộ chỉ huy Đoàn không quân Sao đỏ nhận định, không quân Việt Nam có thể làm được điều không thể - tiếp cận pháo đài bay B-52. Những phi công ưu tú nhất được triệu tập để cùng phân tích chiến thuật các máy bay ném bom Mỹ, các máy bay tiêm kích yểm trợ ban ngày, ban đêm trong những điều kiện thời tiết khác nhau.

Phạm Tuân và đồng đội sau đó cũng nhiều lần cất cánh, tuy nhiên thời cơ chưa thuận lợi. Thêm nữa, nhờ có thiết bị ra đa tối tân đặt trên các máy bay trinh sát, không quân Mỹ thường xuyên săn tìm được các địa điểm bố trí máy bay của ta, nhiều lần máy bay địch phát hiện, tấn công sân bay của ta dù được bố trí khá xa và ngụy trang tốt.

Ngày 18-12-1972, Phạm Tuân là phi công đầu tiên cất cánh lên bầu trời sau khi có báo động. Chẳng mấy chốc, máy bay Mỹ đã phá hủy đường băng cất cánh, đài chỉ huy, đường dây liên lạc gián đoạn… Sau khi chiến đấu với máy bay địch quay về thì nhiên liệu trên máy bay sắp cạn.

Phạm Tuân kể: “Tôi đã quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay vừa bị đánh bom và chỉ nhờ ánh sáng phát ra từ đèn pha, chiếc Mig 21 tiếp đất nhưng bị tụt xuống hố bom, máy bay lộn nhào rồi trượt đi khoảng 300 mét. Chiếc máy bay sau đó gần như bị phá hủy. May mắn nó dừng lại, không bốc cháy và tôi thoát chết”.

Nhưng như Phạm Tuân kể, số phận đã dành cho ông một cơ hội… Cũng từ những đánh giá rút kinh nghiệm của các phi công dày dặn, một số biện pháp mới được đưa ra. Với tinh thần chỉ đạo: Đánh bất ngờ, đánh tập trung, bắn 2 tên lửa... chiều 27-12-1972, Phạm Tuân và một số đồng đội được lệnh cơ động từ Nội Bài lên sân bay Yên Bái.

Ông nhớ lại: “20h16 cùng ngày, tôi xuất phát. Được những sĩ quan hướng dẫn đường bay, điều phối không lưu có kinh nghiệm, nhất là các đồng chí: Tú, Chuyên, Hùng, tôi khá thuận lợi khi bay theo chiến thuật “đi thấp kéo cao” giữa các lớp mây từ độ cao 500m xuyên qua đội hình những “con ma” bay. Khi cách mục tiêu khoảng 3 km, tôi phát hiện 2 chiếc B-52 cùng một tốp F4 hộ tống. Tôi kiểm tra công tắc, chỉnh lại đường ngắm và tìm cách tiếp cận gần hơn nữa để đảm bảo mục tiêu sẽ không thể thoát, bắn liền 2 quả tên lửa K-13. Một quầng lửa đỏ rực trùm lên. Tôi tắt tăng lực lật ngửa máy bay vòng trái xuống độ cao 2.000m, xuyên mây về Yên Bái an toàn. Mấy giờ sau có tin thông báo chính thức không quân Việt Nam đã bắn rơi B-52 của Mỹ và tôi nhận được bức điện đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp chúc mừng về chiến thắng đó”.

Chiến thắng của không quân Việt Nam đã tạo một niềm tin rất lớn cho quân dân cả nước quyết chiến với máy bay Mỹ 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Đêm hôm sau 28-12-1972, phi công Vũ Xuân Thiều cũng đã nhanh chóng tiếp cận mục tiêu song chàng trai quả cảm người Hà Nội đã không thể thoát khỏi vòng vây của máy bay bảo vệ và Vũ Xuân Thiều đã tiêu diệt máy bay B-52 bằng cách đâm thẳng máy bay của mình vào đối phương.

Để kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, cuối tháng 10-2007, chiếc Mig 21 mang số hiệu 5121 - chiếc máy bay do Trung tướng Phạm Tuân lái được chuyển ra Bảo tàng Lịch sử quân sự trưng bày. Chiếc Mig nặng hơn 3 tấn được tháo rời từng bộ phận, chuyên chở trên 2 chiếc xe siêu trường, siêu trọng. Ra Hà Nội an toàn, công việc lắp ráp được triển khai ngay và sau 48h, chiếc máy bay được trả nguyên trạng và đặt ở khu trưng bày cạnh đường Nguyễn Tri Phương.

Đây là một ngoại lệ dành cho chiếc máy bay nhỏ bé đã làm nên một điều không thể vào thời điểm đó. Rất nhiều người nước ngoài khi biết người trò chuyện với chúng tôi chính là phi công đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B-52 đã ngạc nhiên và hỏi ông rất nhiều chuyện, làm thế nào ông bắn hạ được chiếc máy bay bất khả xâm phạm, làm thế nào ông thoát khỏi vòng vây dày đặc của không lực Mỹ hiện đại nhất thế giới để trở về an toàn… Phạm Tuân cười: “Từ hồi ấy tôi đã nói, đấy là chiến công chung của cả một tập thể Anh hùng”.






Hình ảnh Kỷ niệm 35 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Phổ biến

Nhãn